
Thân chào các bạn, chắc các bạn đã rút ra nhiều kinh nghiệm từ bài chia sẻ về cách luyện nghe tiếng Anh của tôi trong bài viết “Bí kíp học nghe cho người lười”. Hôm nay, thầy sẽ tổng kết lại những “căn bệnh” điển hình mà nhiều thế hệ sinh viên – học viên đã mắc phải trong quá trình ôn luyện để thi TOEIC và cách “điều trị”. Các bạn thử đọc và tự chẩn bệnh cho bản thân xem mình đăng mắc “căn bệnh” nào nhé!
- HỌC BAO NHIÊU GIÁO TRÌNH LÀ ĐỦ?
Các bạn sinh viên của chúng ta và ngay cả tôi trước đây bị mắc một căn bệnh kinh niên rất khó chữa, đó là ở đâu có chia sẻ tài liệu cũng đều “tha” về cho bằng hết, chất đầy ổ cứng, chia thành nhiều mục cho thật gọn gàng và khoa học rồi sau đó để đó từ từ học. Nhưng chúng ta không biết rằng đó là một CÁI BẪY mà chúng ta đang tự giăng ra cho mình.
Một là chúng ta không biết bất đầu học từ đâu, ngữ pháp trước hay từ vựng trước đây? nên đọc trước hay nghe trước thì hiệu quả hơn? Kết quả là nhức đầu quá, THÔI THÌ ĐỂ MAI TÍNH.
Hai là đang học quyển này thấy hay hay được vài bài rồi thấy quyển khác được review sát với đề thi thật, thì lại chuyển sang quyển khác để rồi cuối cùng CHẲNG QUYỂN NÀO RA QUYỂN NÀO và kiến thức thì hổng lỗ chỗ, ngữ pháp lúc quen lúc lạ, từ vựng thì khi nhớ khi không.
Vậy giờ phải làm sao? Tôi khuyên các bạn hãy xem một cuốn sách nào đó như người yêu mình vậy, khi đã chọn thì hãy cùng nhau tay chung tay đi đến cuối con đường, đừng đứng núi này trông núi nọ. Quyển sách TOEIC nào cũng có cái hay riêng của nó bất kể bạn học BIG STEP hay TOMATO hay HACKER TOEIC…, nhưng hãy nhớ CHỈ CHỌN MỘT CUỐN VÀ HỌC HẾT TẤT CẢ CÁI HAY CỦA NÓ.
- GIẢI CÀNG NHIỀU ĐỀ CÀNG TỐT?
Một căn bệnh khác mà nguyên nhân của nó cũng bắt nguồn từ căn bệnh bên trên, đó là có những bạn rất thích giải đề. Bây giờ thì việc tìm kiếm tài liệu share trên mạng rất dễ dàng, chắc chắn ai ai cũng phải có một “tàng kinh các” đề thi TOEIC nào là ETS, Economy rồi thì là Longman, ôi đủ cả. Đề nhiều như vậy, không làm thì phí của trời, các bạn bay vào giải hết đề này đến đề khác. Nhưng điểm chung của các bạn mắc bệnh hay giải đề là SAI MÀ KHÔNG HIỂU TẠI SAO MÌNH SAI.
Nếu bạn chỉ giải đề rồi câu nào khó quá cho qua mà không nghiên cứu, mổ xẻ và chắt lọc những kiến thức mới trong đề thì bạn đang lãng phí thời gian đấy. Hãy luyện đề đừng luyện khả năng đánh lụi. Biết rằng lúc thi chắc chắn sẽ còn những kiến thức bạn chưa biết nhưng nhờ quá trình luyện đề kỹ càng, chúng ta đã học thêm từ vựng và kiến thức ngữ pháp mới để hạn chế tối đa rủi ro phải đánh bừa. THAO TRƯỜNG ĐỔ MỒ HÔI, CHIẾN TRƯỜNG BỚT ĐỔ MÁU.
Và một lời khuyên nữa tôi dành cho các bạn dựa trên kinh nghiệm của tôi. Tôi chỉ có 2 TUẦN để luyện thi, và TÔI CHỈ GIẢI ĐÚNG 3 ĐỀ và hiểu cặn kẽ mọi ngóc ngách của đề. Hãy nhớ TOEIC cuối cùng cũng chỉ là một bài thi kiểm tra năng lực ngôn ngữ tiếng Anh của bạn, dẫu cho mục tiêu điểm của bạn là 500 hay 700-800+, thì HÃY HỌC HẾT CẢ ĐỀ, bởi có khi một từ vựng nằm trong bài đọc đôi ở PART 7 mà bạn đã từng học sẽ giúp bạn giải quyết một câu từ vựng ở PART 5. Hơn nữa, việc luyện PART 7 nhiều cũng giúp bạn có thêm từ vựng và tăng tốc độ đọc lên, giúp bạn giải PART 5-6 nhanh hơn. Tương tự, từ vựng nghe và đọc là bổ trợ cho nhau, nên ĐỪNG BỎ QUA BẤT CỨ PHẦN NÀO TRONG ĐỀ mà hãy tận dụng nó để có thêm kiến thức giải những phần khác. Hãy nhớ câu của người xưa : “Quý hồ tinh, bất quý hồ đa” (QUAN TRỌNG CHẤT LƯỢNG, CHỨ KHÔNG QUAN TRỌNG SỐ LƯỢNG).
- CHUẨN BỊ THẾ NÀO CHO KỲ THI?
Có một số bạn lúc học thì rất tốt, giải đề ngon lành, ngữ pháp – từ vựng dư xài, nhưng đi thi lại không đạt được điểm số mong muốn do những lý do không nằm ở kiến thức sau đây.
- Canh thời gian
Trong lúc luyện đề, khi đã có lượng kiến thức đủ dày, và đặc biệt 3-4 ngày trước khi thi, hãy tập luyện giải đề có canh thời gian như thi thật. Khi đi thi thật, hết giờ làm bài là giám thị sẽ giật bài của bạn, nên hãy tập canh đúng thời gian, nếu CÒN 5 PHÚT còn những câu chưa giải quyết thì BẮT ĐẦU “XẠ” NGAY không chờ cho đến khi hết thời gian làm bài.
- Luyện tô bằng viết chì vào answer sheet và tuyệt đối không viết gì vào đề
Nhiều bạn khi luyện thi ở nhà có thói quen đánh thẳng đáp án mình chọn vào đề. Điều này có thể chấp nhận được vào lúc đầu, tuy nhiên, khi bạn đã bước vào giai đoạn giải đề có canh thời gian, hãy kết hợp với việc tô bằng viết chì vào answer sheet (TÔ CÓ TÂM hết cả vòng tròn) và KHÔNG ĐÁNH DẤU GÌ VÀO ĐỀ. Nếu bạn thi ở IIG thì chỉ cần bạn đặt cây bút chì lên cuốn đề là đã có giám thị nhắc nhở rồi. Nếu đã quen với việc này thì khi đi thi bạn sẽ tránh việc tô không kịp và tiết kiệm được thời gian.
- Nghe với loa ngoài
Khi luyện nghe hãy cố gắng luyện nghe với loa ngoài. Nếu bạn thi ở IIG, thường thì giám thị sẽ hỏi bạn có cần tăng âm lượng không, và đa số yêu cầu tăng lên, nhưng thực ra thì cũng không tăng nhiều lắm. Âm lượng là vừa đủ nghe và không quá lớn, nhiều bạn sẽ không quen và cho rằng là hơi nhỏ. Do đó tốt nhất là bạn hãy tập nghe loa ngoài, còn nếu bạn nghe bằng TAI NGHE thì hãy chỉnh ÂM LƯỢNG NHỎ thôi để tăng sự tập trung và độ nhạy bén của tai.
- Tự đặt vào những điều kiện khắc nghiệt như đi thi
Một buổi thi TOEIC thường kéo dài hơn 2 tiếng một chút tính từ lúc bước vào phòng thi, và trong thời gian này, bạn không được uống nước hay đi vệ sinh. Điều này chắc chắn sẽ rất khó chịu với không ít người. Bản thân tôi đã từng rất đau khổ về việc này trong lần đầu tiên đi thi và nó đã ảnh hưởng khá nhiều tới kết quả bài thi. Vậy nên, gần trước ngày thi, hãy cố gắng thử làm cả một đề liên tục 2 tiếng đồng hồ không uống nước, không đi vệ sinh, và trong ngày thi, hãy nhớ ăn uống hợp lý để không biến 2 tiếng đồng hồ trong phòng thi thành thảm họa nhé!
Tác giả: Thầy Đỗ Lâm Thuận